Thứ năm, 14/05/2015, 10:06:10
Select the search type
 
  • Site
  • Web
Search

Chi tiết tin

Cần có giải pháp quyết liệt để quản lý, sử dụng đất hiệu quả

Đất đai luôn giữ một vị trí, vai trò rất quan trọng; việc sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả và bền vững đòi hỏi phải có quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đây được xem là công cụ quan trọng trong quản lý nhà nước về đất đai, là cơ sở khoanh định quỹ đất phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, tổ chức thực hiện giao đất, cho thuê đất và kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng đất. Chính vì vậy, thời gian qua có khá nhiều văn bản chỉ đạo từ Trung ương đến địa phương quy định về vấn đề này, tạo hành lang pháp lý để các đơn vị, địa phương triển khai thực hiện.


Dẫu vậy, công tác lập, tổ chức thực hiện và quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nói chung và kế hoạch sử dụng đất cấp huyện nói riêng thời gian qua vẫn còn bộc lộ những khó khăn, hạn chế nhất định do nhiều nguyên nhân khác nhau.

Vướng mắc, bất cập từ các quy định pháp luật liên quan 

Thứ nhất, việc quy định thời gian triển khai thực hiện kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện khá ngắn, chủ yếu tập trung vào thời gian cuối năm của kế hoạch nhưng thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt qua nhiều cấp nên phần nào ảnh hưởng tiến độ triển khai thực hiện. Thông thường, để kịp tổng hợp trình HĐND tỉnh thông qua danh mục thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất tại kỳ họp cuối năm, sau khi tổng hợp thông tin từ các địa phương, Sở Tài nguyên và Môi trường hầu như chỉ kịp rà soát sơ bộ bước đầu, chưa thẩm định chặt chẽ nên khi trình HĐND tỉnh còn xảy ra khá nhiều sai sót. Thêm vào đó, công tác lãnh đạo, chỉ đạo một số địa phương chưa thật sự quyết liệt, một số nơi hầu như giao khoán cho đơn vị tư vấn thực hiện nhưng thiếu kiểm tra, giám sát dẫn đến việc đề xuất đưa vào kế hoạch sử dụng đất khá nhiều danh mục không đảm bảo thông tin theo quy định, chưa gắn kết với định hướng phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh của địa phương… làm cho công tác thẩm định, thẩm tra kế hoạch sử dụng đất khó khăn, tốn khá nhiều thời gian nên thường đến tháng 4, tháng 5 thậm chí tháng 6, UBND tỉnh mới phê duyệt kế hoạch sử dụng đất hằng năm của cấp huyện. Điều đó dẫn đến thời gian triển khai thực hiện kế hoạch sử dụng đất quá ngắn nên tỷ lệ thực hiện khá thấp. Các yếu tố này  phần nào làm tác động ảnh hưởng đến hiệu quả, sử dụng nguồn lực đất đai nói chung và quyền lợi của người sử dụng đất nói riêng.

Đoàn giám sát HĐND tỉnh khảo sát thực tế dự án tại Núi Thành

Chính bất cập nêu trên nên trong các hội nghị góp ý Luật Đất đai liên quan đến kỳ lập kế hoạch sử dụng đất cấp huyện đã được đưa ra thảo luận bàn bạc khá nhiều, có ý kiến cho rằng nên chăng quy định thời kỳ lập kế hoạch sử dụng đất cấp huyện từ 3 đến 5 năm (thay vì hằng năm) vì thực tiễn cho thấy, việc lập kế hoạch sử dụng đất cấp huyện hằng năm gặp nhiều khó khăn, bất cập, tốn khá nhiều thời gian, công sức, kinh phí Nhà nước. Bên cạnh đó, cũng có ý kiến boăn khoăn nếu quy định kéo dài thời gian kế hoạch sử dụng đất ít nhiều sẽ ảnh hưởng quyền lợi người sử dụng đất vì quy định đã nêu rõ “Trường hợp đã có kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện thì người sử dụng đất trong khu vực phải chuyển mục đích sử dụng đất và thu hồi đất theo kế hoạch được tiếp tục thực hiện các quyền của người sử dụng đất nhưng không được xây dựng mới nhà ở, công trình, trồng cây lâu năm”. 

Thứ hai, việc quy định điều kiện để xem xét đề xuất dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước vào danh mục thu hồi đất chưa thật sự phù hợp, bởi theo quy định, đối với dự án sử dụng vốn ngân sách yêu cầu phải “được ghi vốn trong năm kế hoạch”; tuy nhiên, thời gian triển khai công tác lập kế hoạch sử dụng đất được tổ chức triển khai (quý III hằng năm) trước khi cấp có thẩm quyền quyết định kế hoạch đầu tư công (tại kỳ họp thường lệ cuối năm của Hội đồng nhân dân). Do đó, thời gian qua, để tạo điều kiện cho các địa phương thực hiện các thủ tục đất đai, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư công thì việc rà soát các điều kiện liên quan khi xem xét, bổ sung dự án đầu tư sử dụng vốn ngân sách nhà nước vào danh mục thu hồi đất chưa hoàn toàn chặt chẽ, phần ghi chú văn bản thông tin liên quan có khá ít văn bản ghi vốn năm kế hoạch mà chỉ là các văn bản thể hiện nội dung như: thông qua kế hoạch đầu tư công trung hạn, chấp thuận chủ trương đầu tư... Do vậy, nếu chiếu theo quy định pháp luật thì chưa thật sự đảm bảo theo đúng quy định.

Thứ ba, thẩm quyền thông qua kế hoạch sử dụng đất chưa rõ 

Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Điều 21 Luật Đất đai quy định khá rõ thẩm quyền HĐND các cấp trong việc thông qua quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Tuy nhiên, tại khoản 3 Điều 45 Luật Đất đai lại nêu “Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện. Ủy ban nhân dân cấp huyện trình Hội đồng nhân dân cùng cấp thông qua quy hoạch sử dụng đất cấp huyện trước khi trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt”. Quy định này hoàn toàn không đề cập thẩm quyền Hội đồng nhân dân cấp huyện trong việc thông qua kế hoạch sử dụng đất hằng năm nên thực tiễn triển khai địa phương gặp khá nhiều lúng túng trong việc áp dụng pháp luật liên quan đến trình tự thông qua kế hoạch sử dụng đất cấp huyện.

Hạn chế, bất cập trong công tác triển khai thực hiện

Bên cạnh những bất cập do vướng mắc từ các quy định, công tác triển khai lập, tổ chức thực hiện, quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất còn những hạn chế nhất định:

Thứ nhất, công tác phối hợp giữa các ngành, địa phương trong rà soát khớp nối giữa quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất với quy hoạch có liên quan chưa được quan tâm đúng mức, còn xảy ra tình trạng chồng lấn quy hoạch; việc quy hoạch, bố trí một số dự án thương mai - dịch vụ chưa tuân thủ chặt chẽ theo quy hoạch sử dụng đất, có dự án sản xuất kinh doanh bố trí nằm ngoài các khu, cụm công nghiệp, bám ven đường quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ, xen kẽ đất nông nghiệp, khu dân cư, những nơi có sẵn điều kiện hạ tầng, lợi thế thương mại, suất đầu tư thấp đã gây nên hệ lụy về môi trường, ảnh hưởng lớn đến đời sống nhân dân và bất cập trong công tác quản lý về lâu dài. 

Thứ hai, khâu quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan đô thị nhiều nơi chưa được chú trọng, việc quản lý, sử dụng quỹ đất bố trí phát triển nhà ở thương mại, khu đô thị, khu dân cư chưa gắn với nhu cầu thực tiễn, nhiều dự án đưa vào kế hoạch sử dụng đất mang tính cơ hội, phụ thuộc vào ý tưởng nhà đầu tư, không tuân thủ quy hoạch sử dụng đất, chưa đánh giá kỹ thực chất nhu cầu và rà soát khả năng nguồn lực, dẫn đến tình trạng đầu tư thiếu khớp nối, đồng bộ; một số dự án được giao đất, cho thuê đất nhưng chậm triển khai, bỏ đất hoang hoá, lãng phí… điều này kéo theo khá nhiều hệ luỵ.

Thứ ba, việc công bố, công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất sau khi được phê duyệt chưa được thực hiện sâu rộng, tính minh bạch chưa cao. Việc điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất một số trường hợp chưa kịp thời với tình hình thực tế, có tình trạng điều chỉnh quy hoạch theo kiểu “da beo”, dẫn đến manh mún, không khớp nối hạ tầng kỹ thuật, gây nhếch nhác bộ mặt đô thị, nguy cơ tác động tiêu cực đến cảnh quan môi trường, phá vỡ quy hoạch. 

Thứ tư, công tác tổ chức thực hiện, quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của một số địa phương chưa được chú trọng; số danh mục dự án đề xuất đưa vào kế hoạch sử dụng đất hằng năm nhiều nhưng kết quả thực hiện hằng năm rất thấp, tỷ lệ danh mục được chuyển tiếp sang các năm sau khá nhiều; trong khi đó, có trường hợp chưa đảm bảo thủ tục đất đai nhưng đã triển khai thi công dự án.

Thứ năm, công tác kiểm tra, thanh tra trách nhiệm quản lý nhà nước về quản lý quy hoạch, quản lý hiện trạng, quản lý đất đai quản lý trật tự xây dựng có được thực hiện nhưng thiếu thường xuyên, chưa kịp thời phát hiện nhiều sai phạm trong công tác quản lý, sử dụng đất đai.

Một số giải pháp 

Để giải quyết bất cập trong công tác lập, tổ chức thực hiện, quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, góp phần quản lý, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả nguồn lực đất đai thì đòi hỏi cần có sự phối hợp đồng bộ của các ngành, các cấp trong quá trình lập, thẩm định, trình phê duyệt, tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất

Trong vai trò là cơ quan tham mưu thực hiện chức năng quản lý nhà nước trên lĩnh vực đất đai, Sở Tài nguyên và Môi trường cần kịp thời rà soát, tham mưu UBND tỉnh kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các quy định còn vướng mắc; đồng thời, thường xuyên rà soát, cập nhật kịp thời các văn bản hướng dẫn cấp trên, tích hợp quy định pháp luật có liên quan để tham mưu ban hành hướng dẫn quy trình về trình tự, thủ tục thực hiện công tác lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để tổ chức thực hiện một cách đồng bộ trên địa bàn toàn tỉnh. Tiếp tục nâng cao vai trò trách nhiệm, tuân thủ chặt chẽ quy trình và đẩy nhanh tiến độ thẩm định, trình phê duyệt quy hoạch, kế hoạch đất. Phối hợp chặt chẽ với sở, ngành liên quan trong công tác rà soát quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đảm bảo không có sự chồng chéo giữa quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất với các quy hoạch tỉnh, quy hoạch nông thôn mới, quy hoạch ngành, lĩnh vực có liên quan. Tăng cường công tác tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Thường xuyên theo dõi, hướng dẫn gắn với công tác thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực đất đai nói chung và lĩnh vực quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nói riêng để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh sai phạm trong công tác quản lý đất đai trên địa bàn tỉnh…

Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng đóng một vai trò khá quan trọng. Thực tiễn thời gian qua cho thấy, nơi nào chính quyền chỉ đạo chưa quyết liệt, sâu sát, giao khoán cho đơn vị tư vấn thực hiện thì thường dẫn đến tỷ lệ thực hiện kế hoạch sử dụng đất khá thấp, dễ gặp vướng mắc trong quá trình thực hiện phải điều chỉnh, bổ sung nhiều lần. Do vậy, để đảm bảo nâng cao công tác lập, tổ chức thực hiện, quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, các địa phương phải tăng cường nâng cao vai trò trách nhiệm, phối hợp, chặt chẽ với sở ngành trong việc rà soát, thẩm định, đánh giá về tính khả thi, mức độ phù hợp của dự án so với quy hoạch khi đề xuất, đăng ký danh mục dự án đưa vào kế hoạch sử dụng đất hằng năm. Quan tâm, tạo điều kiện đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn cho đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý đất đai. Đẩy mạnh hoạt động thanh tra, kiểm tra, kịp thời ngăn ngừa, xử lý các biểu hiện tiêu cực và những vi phạm pháp luật về quản lý sử dụng đất đai trên địa bàn…

Với vai trò, trách nhiệm của mình, Hội đồng nhân dân cần tăng cường giám sát việc chấp hành pháp luật trong công tác lập, thẩm định, phê duyệt, tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng, nhất là đất chuyên trồng lúa và đất rừng phòng hộ; trong đó cần xem xét thận trọng đối với dự án tác động lớn về môi trường, an sinh xã hội, đối với dự án sử dụng diện tích lớn. Tiếp tục ưu tiên bố trí nguồn lực và chỉ đạo khẩn trương hoàn thiện cơ sở dữ liệu đất đai, xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính theo hướng hiện đại hóa, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, tạo thuận lợi trong việc truy xuất nguồn gốc đất đai, chỉnh lý biến động đất đai và các hồ sơ thủ tục đất đai có liên quan…

Tác giả: Bảo Hân

Nguồn tin: Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội & HĐND tỉnh


[Trở về]

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn:

TÀI LIỆU KỲ HỌP

Thông tin - Thông báo

TÀI LIỆU PHIÊN HỌP


Dự báo thời tiết

Nam Trà My

BẢN QUYỀN HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN HUYỆN NAM TRÀ MY
Địa chỉ liên hệ: Thôn 1, Trà Mai, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam
Điện thoại: 01216725567
Email: tonghopnamtramy@gmail.com
Phát triển bởi Trung Tâm Công Nghệ Thông Tin & Truyền Thông Quảng Nam (QTI)

Tổng số lượt truy cập