Đồng chí Hà Đức Tiến – Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh phát biểu tại Hội nghị giao ban với HĐND cấp huyện.
Nhìn nhận từ thực tiễn hoạt động giám sát qua 07 năm thực hiện Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, Ban Pháp chế HĐND tỉnh đánh giá rõ về thực trạng và nhấn mạnh một số giải pháp cần quan tâm:
*
Về hoạt động thẩm tra các báo cáo: Ban đã thành lập 37 Đoàn giám sát phục vụ 37 kỳ họp HĐND tỉnh. Tổng hợp, tổ chức thẩm tra và ban hành 75 Báo cáo thẩm tra đối với các báo cáo 06 tháng và hằng năm của UBND tỉnh, các ngành, đơn vị, địa phương và nhiều nội dung đề án, tờ trình, dự thảo nghị quyết liên quan lĩnh vực phụ trách. Trên cơ sở phân tích, đánh giá kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân; có nhiều kiến nghị, đề xuất gửi cơ quan có thẩm quyền và địa phương để chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, bất cập trong quản lý nhà nước, thực thi Hiến pháp, luật, các văn bản dưới luật tại địa phương.
*
Về giám sát việc ban hành quyết định của UBND tỉnh, nghị quyết của HĐND cấp huyện; rà soát nghị quyết HĐND tỉnh: Định kỳ hằng năm, Ban tham mưu Thường trực HĐND tỉnh ban hành kế hoạch và tổ chức rà soát, đánh giá các Nghị quyết do HĐND tỉnh ban hành; tự kiểm tra, rà soát nghị quyết trên lĩnh vực nội chính - pháp chế; chủ động phối hợp các Ban HĐND và cơ quan chuyên môn rà soát, xử lý các văn bản trái pháp luật, chưa đảm bảo thể thức, kỹ thuật trình bày, chưa tuân thủ quy trình, thủ tục ban hành văn bản để kiến nghị hình thức xử lý phù hợp, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật.
*
Về hoạt động giám sát, khảo sát chuyên đề: Ban tập trung vào các nhóm vấn đề nổi cộm như: công tác tuyển dụng, quản lý, sử dụng biên chế công chức, viên chức; tổ chức và hoạt động của Công an xã theo lộ trình bố trí công an chính quy; tổ chức bộ máy và hoạt động của đơn vị hành chính cấp xã, thôn, tổ dân phố sau sắp xếp, sáp nhập; chế độ chính sách người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và thôn, tổ dân phố; công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản; hoạt động thanh tra chuyên ngành; việc thi hành Bản án có hiệu lực pháp luật của Tòa án; công tác quản lý nhà nước, tổ chức và hoạt động bổ trợ tư pháp; công tác cải cách thủ tục hành chính…
*
Về giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân: Hoạt động giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị phản ánh của công dân được Ban Pháp chế chú trọng và triển khai thực hiện thường xuyên. Qua theo dõi, giám sát kịp thời đôn đốc các tổ chức, cá nhân liên quan giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân theo đúng thẩm quyền và thời gian pháp luật quy định. Chủ động giám sát, khảo sát, xác minh việc giải quyết khiếu nại, kiến nghị đối với các đơn thư tồn đọng, kéo dài, dư luận xã hội quan tâm.
Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động giám sát thời gian qua vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Có trường hợp đối tượng giám sát chuẩn bị báo cáo chưa đáp ứng yêu cầu về nội dung, thời gian quy định. Một số kiến nghị, kết luận giám sát chưa đề ra được các giải pháp khắc phục triệt để, chưa xác định rõ được trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát. Một số cơ quan, đơn vị chưa quan tâm đúng mức việc rà soát, chưa chủ động báo cáo kết quả thực hiện kiến nghị sau giám sát; việc báo cáo chỉ dừng lại ở cập nhật văn bản chỉ đạo mà chưa thể hiện kết quả, lộ trình thực hiện kết quả...
Nguyên nhân dẫn đến tồn tại, hạn chế nêu trên là do công tác phối hợp các chủ thể giám sát trong việc xây dựng chương trình, triển khai hoạt động giám sát còn thiếu chặt chẽ dẫn đến chồng chéo, trùng lặp nội dung, thời gian, đối tượng giám sát...; một số đơn vị thuộc đối tượng giám sát thiếu tính phối hợp, chưa nghiêm túc trong công tác chuẩn bị nội dung phục vụ đoàn giám sát, nhiều trường hợp đơn vị, địa phương báo cáo chậm, thiếu nội dung theo yêu cầu đã ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng trong hoạt động giám sát; một số thành viên đoàn giám sát chưa thật sự tham gia tích cực, còn biểu hiện nể nang, né tránh, chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm của người đại biểu. Bên cạnh đó, việc quy định chế tài, trách nhiệm thực thi các nghị quyết, kết luận, kiến nghị sau giám sát còn bất cập, chưa đầy đủ, cụ thể như: chưa quy định chế tài đủ mạnh; chưa quy định rõ thời hạn xử lý của cơ quan có thẩm quyền; chưa quy định rõ trách nhiệm đối tượng giám sát...
Quang cảnh tại Hội nghị
Từ thực tiễn qua 07 năm thi hành Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, tại Hội nghị giao ban giữa Thường trực HĐND tỉnh với Tổ đại biểu HĐND tỉnh, Thường trực HĐND cấp huyện, Ban Pháp chế HĐND tỉnh đề xuất một số giải pháp nhằm tháo gỡ những tồn tại, hạn chế cũng như từng bước hoàn thiện chính sách pháp luật về giám sát trong thời gian tới:
-
Một là, tiếp tục bổ sung, luật hóa quy định chế tài xử lý các trường hợp cơ quan, tổ chức, cá nhân chậm trễ, trì hoãn, không thực hiện hoặc thực hiện không đúng yêu cầu trong nghị quyết, kết luận, kiến nghị của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND, Tổ đại biểu, đại biểu HĐND nhằm đảm bảo căn cứ pháp lý trong tổ chức thực hiện và nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả giám sát của HĐND; quy định rõ mốc thời gian báo cáo kết quả thực hiện nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát; quy định thời hạn xử lý của cơ quan có thẩm quyền nhằm đảm bảo việc thực hiện kết luận, kiến nghị giám sát được kịp thời.
-
Hai là, sửa đổi, bổ sung quy định liên quan giám sát văn bản quy phạm pháp luật cho đảm bảo đồng bộ với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản hướng dẫn thi hành.
-
Ba là, bổ sung quy định trách nhiệm triển khai, tổng hợp, xử lý kết quả giám sát các Tổ đại biểu.
-
Bốn là, quy định về phối hợp hoạt động giám sát trong Luật mới dừng lại ở “khuyến nghị” chưa trở thành “bắt buộc” trong điều kiện nhiều chủ thể được giao quyền giám sát cần bổ sung các quy định về phối hợp trong giám sát.