Đồng chí Trần Thị Bích Thu, phát biểu làm rõ một số nội dung liên quan đến đề án
Với sự quan tâm của Trung ương, sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự vào cuộc của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, các ngành, các tổ chức đoàn thể ở các địa phương và đặc biệt là sự nỗ lực vươn lên của người có công, hộ nghèo và cận nghèo, qua báo cáo của sở Lao động - Thương binh và xã hội, toàn tỉnh đã hỗ trợ xây mới, sửa chữa hơn 67.700 nhà ở cho người có công với cách mạng, hộ nghèo, hộ cận nghèo. Tuy nhiên, đến nay, vẫn còn 15.735 nhà ở cho người có công với cách mạng, hộ nghèo, hộ cận nghèo cần được hỗ trợ, trong đó, có 6.774 nhà ở cho người có công với cách mạng; số nhà cho hộ nghèo, hộ cận nghèo cần được hỗ trợ: 8.961 nhà.
Tại phiên họp thảo luận, các đại biểu đã tham gia thảo luận sôi nổi về nội dung của đề án đề ra. Đại biểu Nguyễn Chín cho rằng, đây là đề án hết sức cần thiết và có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, tuy nhiên, đại biểu boăn khoăn có nên quy định “những trường hợp không được hỗ trợ” về nhà ở vì chủ trương chung của tỉnh là xoá nhà tạm trên địa bàn toàn tỉnh. Bên cạnh đó, thời gian qua, từ các chương trình của trung ương, của tỉnh đã hỗ trợ khá lớn số nhà ở cho người có công, hộ nghèo và hộ cận nghèo; tuy nhiên, một số chương trình hỗ trợ kinh phí thấp, thời điểm hỗ trợ từ rất lâu, đồng thời do ảnh hưởng của thiên tai... nên đã xuống cấp, không đảm bảo tiêu chí 3 cứng như hướng dẫn của Bộ Xây dựng, đối tượng này cũng cần được quan tâm hỗ trợ. Ngoài ra, có đại biểu đề nghị cần phát động phong trào cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tham gia đóng góp 1 ngày lương, chung tay góp sức để giúp đỡ các gia đình khó khăn có nhà ở ổn định, yên tâm sản xuất.
Trước những boăn khoăn của đại biểu, đồng chí Trần Thị Bích Thu, Trưởng ban Văn hóa – Xã hội HĐND tỉnh cũng đã làm rõ một số vấn đề của đại biểu tham gia, theo đó, ưu tiên hỗ trợ nhà ở cho các đối tượng người có công với cách mạng, hộ nghèo và hộ cận nghèo, sau khi kết thúc giai đoạn 2023-2025, UBND tỉnh sẽ đánh giá rút kinh nghiệm, tiếp tục hỗ trợ cho các đối tượng trên toàn tỉnh có nhà tạm, nhà dột nát, như vậy, giai đoạn 2023 - 2025 khoanh vùng đối tượng hỗ trợ sẽ thuận lợi trong quá triển khai thực hiện trên thực tế.
Trên cơ sở ý kiến thảo luận của các đại biểu HĐND tỉnh, tại kỳ họp lần này, HĐND tỉnh đã thống nhất cao việc thông qua Nghị quyết quy định mức hỗ trợ về xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2023 – 2025. Theo nội dung Nghị quyết, dự kiến giai đoạn 2023 - 2025, sẽ hỗ trợ xóa 15.735 nhà tạm, nhà dột nát cho người có công với cách mạng, hộ nghèo và hộ cận nghèo. Đối với người có công với cách mạng và hộ nghèo, hộ cận nghèo (trừ 06 huyện nghèo) có mức hỗ trợ xây mới là 60 triệu đồng/nhà, sửa chữa là 30 triệu đồng/nhà; hỗ trợ thêm 14 triệu đống đối với nhà xây mới và 7 triệu đối với nhà sửa chữa cho hộ nghèo và hộ cận nghèo trên địa bàn 06 huyện nghèo đã được hỗ trợ nhà ở trong Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.
Dự kiến kinh phí thực hiện giai đoạn 2023 - 2025 khoảng 407,655 tỷ đồng, trong đó, ngân sách tỉnh từ nguồn tiết kiệm chi khoảng 120 tỷ đồng và từ các nguồn huy động hợp pháp khác.
Các đại biểu biểu quyết thông qua tại kỳ họp
Việc hoàn thành số lượng theo mục tiêu của đề án sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng tin tưởng rằng, cùng với sự quyết tâm của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, các cơ quan, ban ngành, hội đoàn thể và lực lượng vũ trang trên địa bàn tỉnh, sự chung tay đóng góp của các cá nhân, tổ chức, tỉnh Quảng Nam sẽ xoá được số lượng lớn nhà tạm, nhà dột nát cho người có công với cách mạng, hộ nghèo, hộ cận nghèo.