Thứ năm, 14/05/2015, 10:06:10
Select the search type
 
  • Site
  • Web
Search

Chi tiết tin

Bài 1: Ra nghị quyết đánh giá công tác cơ quan có báo cáo

ĐỀ XUẤT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG LUẬT HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT CỦA QUỐC HỘI VÀ HĐND

Từ nhiệm kỳ 2016-2021 hoạt động giám sát của HĐND các cấp thực hiện theo Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015. Sự ra đời của Luật này được đánh giá là bước đổi mới quan trọng, là cơ sở pháp lý để HĐND, Thường trực HĐND, các Ban HĐND, Tổ đại biểu và đại biểu HĐND tiến hành hoạt động giám sát; góp phần đưa hoạt động giám sát vào nề nếp, từng bước nâng cao hiệu lực và hiệu quả. Thực tế thi hành Luật trong 07 năm qua cũng đã phát sinh yêu cầu sửa đổi, bổ sung nhằm đảm bảo pháp luật về hoạt động giám sát phù hợp hơn với chức năng, nhiệm vụ và tính chất hoạt động của cơ quan dân cử địa phương.


Bài 1: Ra nghị quyết đánh giá công tác cơ quan có báo cáo

Điều 57 Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015 (sau đây gọi tắt là Luật Hoạt động giám sát) quy định “xem xét báo cáo” là 01 trong 05 hoạt động giám sát của HĐND. Tiếp đến Điều 59 quy định cụ thể về các loại báo cáo, cơ quan có trách nhiệm báo cáo, thời điểm xem xét và trình tự HĐND xem xét, thảo luận các báo cáo. Đáng lưu ý “sản phẩm cuối cùng” của hoạt động giám sát theo phương thức xem xét báo cáo là nghị quyết về công tác của cơ quan có báo cáo được quy định mở là “HĐND có thể ra nghị quyết”, chưa trở thành quy định có tính bắt buộc như giám sát của Quốc hội. Nên chăng cần sửa đổi theo hướng trở thành quy định bắt buộc để hoạt động giám sát này hiệu quả hơn!

Tập trung đầu tư công sức, trí tuệ

Hoạt động giám sát của HĐND thông qua việc xem xét báo cáo chủ yếu được tiến hành tại các kỳ họp thường lệ giữa năm, cuối năm. Theo quy định Luật Hoạt động giám sát và các Luật chuyên ngành khác, đối với cấp tỉnh mỗi kỳ họp HĐND sẽ xem xét khoảng 20 báo cáo về tình hình công tác của nhiều chủ thể khác nhau (Thường trực, các Ban HĐND, UBND, TAND, Viện KSND, Cục THADS). 

Trước mỗi kỳ họp, để thu thập thông tin đối chiếu, so sánh, phản biện,… với các dữ liệu, thông tin đề cập đến trong các báo cáo của cơ quan trình thì Thường trực HĐND, các Ban của HĐND tiến hành khảo sát và tổ chức các buổi làm việc với các ngành, địa phương. Thông thường mỗi Ban của HĐND sẽ tiến hành làm việc từ 03 đến 07 cơ quan/đơn vị/địa phương. Quỹ thời gian dành cho hoạt động này thường là từ 02 đến 03 tuần trước ngày tổ chức kỳ họp.

Ban Pháp chế HĐND tỉnh khảo sát tại xã Bình Phú, huyện Thăng Bình

Ngoài việc tập trung, ưu tiên về thời gian cho hoạt động khảo sát, làm việc thì trong giai đoạn này các đại biểu HĐND là thành viên Ban/đại biểu mời tham dự phải tập trung thu thập, xử lý khối lượng lớn thông tin trong các báo cáo nhận được để tham gia ý kiến. Ý kiến thảo luận của đại biểu và tổng hợp của chủ trì tại các buổi làm việc chính là nguồn thông tin quan trọng trong xem xét, đánh giá, nhận định về báo cáo hoạt động của UBND, các ngành. 

Từ các thông tin thu thập được, tổ giúp việc sẽ tham mưu dự thảo báo cáo thẩm tra, trình tập thể Ban HĐND thảo luận, thông qua tại phiên họp thẩm tra. Trong giai đoạn này các nhận định, đánh giá, nhất là các nội dung liên quan đến hạn chế, thiếu sót trong hoạt động của UBND, các ngành được cân nhắc rất kỹ lưỡng. Mỗi nhận định, phản biện đều kèm theo các dẫn chứng, số liệu để chứng minh một cách thuyết phục. Nhiều người công tác lâu năm ở HĐND cho rằng đôi khi các báo cáo thẩm tra đánh giá hoạt động của chủ thể chịu sự giám sát lại khó viết hơn rất nhiều so với các báo cáo thẩm tra khác. Chính vì vậy, công tác chuẩn bị, thẩm tra các báo cáo hoạt động trước khi trình HĐND xem xét tại các kỳ họp được đánh giá là công phu, tỉ mĩ với sự tập trung cao về công sức, trí tuệ.

Quy định bắt buộc việc ra nghị quyết

Tại kỳ họp, các báo cáo thẩm tra của Ban HĐND đều được bố trí thời lượng hợp lý để trình bày trực tiếp với mục đích cung cấp các thông tin cần thiết nhất cho quá trình thảo luận của đại biểu HĐND. Trên cơ sở đó HĐND tỉnh sẽ ban hành nghị quyết về nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế- xã hội, đảm bảo quốc phòng – an ninh của năm hoặc bổ sung nhiệm vụ, giải pháp (đối với 6 tháng). Do nội dung, tính chất nghị quyết này tập trung đề cập các chỉ tiêu chủ yếu và nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế- xã hội, đảm bảo quốc phòng – an ninh nên rất nhiều vấn đề được nêu trong báo cáo thẩm tra của Ban HĐND không được đề cập đến. 

Mặc dù Điều 59 Luật Hoạt động giám sát quy định “HĐND có thể ra nghị quyết về công tác của cơ quan có báo cáo”; nội dung của nghị quyết này bao gồm 04 nội dung cơ bản như: (i) kết quả đạt được, hạn chế, bất cập; nguyên nhân của hạn chế, bất cập; trách nhiệm của cơ quan có báo cáo và người đứng đầu; (ii) thời hạn khắc phục các hạn chế, bất cập; (iii) trách nhiệm thi hành của cơ quan, cá nhân; (iv) trách nhiệm báo cáo kết quả thực hiện nghị quyết về giám sát. Tuy nhiên sau 07 năm thi hành Luật Hoạt động giám sát, ngoại trừ nghị quyết về công tác các cơ quan tại kỳ họp tổng kết nhiệm kỳ 2016-2021, HĐND  nhiều tỉnh, thành phố chưa ban hành nghị quyết nào khác theo quy định Điều 59 nêu trên. 

Theo quan điểm người viết, một phần nguyên nhân của thực trạng này là bởi quy định về xử lý kết quả giám sát theo hình thức “xem xét báo cáo” chưa trở thành quy định bắt buộc. Và điều này khiến nhiều nội dung nhận định, đánh giá của cơ quan thẩm tra và đại biểu HĐND tỉnh dù được chuẩn bị công phu và kỹ lưỡng nhưng chưa được chuyển tải thành nghị quyết (trong đó có nội dung quan trọng là “thời hạn khắc phục các hạn chế, bất cập”). Do vậy rất nhiều vấn đề sau giám sát không có chuyển biến, cơ quan thẩm tra thường đề cập nhiều lần tại nhiều kỳ họp khác nhau.

Để góp phần giải quyết thực trạng nêu trên, đảm bảo các hạn chế, thiếu sót trong công tác quản lý nhà nước, thi hành pháp luật được nhận diện và xử lý hiệu quả. Đồng thời, làm cơ sở xác định trách nhiệm chính trị của cơ quan, người đứng đầu cơ quan có báo cáo trước HĐND, thiết nghĩ quy định về ban hành nghị quyết về công tác của cơ quan có báo cáo quy định tại Điều 59 Luật Hoạt động giám sát cần được sửa đổi theo hướng trở thành quy định bắt buộc để hoạt động giám sát qua “xem xét báo cáo” hiệu quả hơn.

Tác giả: Thanh Hiền

Nguồn tin: Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội & HĐND tỉnh


[Trở về]

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn:

TÀI LIỆU KỲ HỌP

Thông tin - Thông báo

TÀI LIỆU PHIÊN HỌP


Dự báo thời tiết

Nam Trà My

BẢN QUYỀN HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN HUYỆN NAM TRÀ MY
Địa chỉ liên hệ: Thôn 1, Trà Mai, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam
Điện thoại: 01216725567
Email: tonghopnamtramy@gmail.com
Phát triển bởi Trung Tâm Công Nghệ Thông Tin & Truyền Thông Quảng Nam (QTI)

Tổng số lượt truy cập