Thứ năm, 14/05/2015, 10:06:10
Select the search type
 
  • Site
  • Web
Search

Chi tiết tin

Khi chính sách đi vào cuộc sống

Ngày 07.7.2015, HĐND tỉnh thông qua Nghị quyết 159/2015/NQ-HĐND về phát triển giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, giai đoạn 2016-2020. Xuất phát từ thực tiễn, được sự đồng thuận cao của nhân dân, các cơ chế, chính sách đã nhanh chóng đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả tích cực, đẩy nhanh quá trình xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông và hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới ở các địa phương.

Hệ thống giao thông đóng vai trò quan trọng, là một trong những điều kiện tiên quyết để phát triển kinh tế - xã hội. Với các địa phương nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa, việc có một hệ thống giao thông đảm bảo được sự lưu chuyển của con người và hàng hóa lại càng quan trọng. Giao thông nông thôn được nối liền sẽ tạo thêm nhiều việc làm mới, giải quyết được vấn đề lao động nhàn rỗi ở nông thôn, thúc đẩy kinh tế hộ phát triển. Qua đó góp phần xóa bỏ đói nghèo, cải thiện sự tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản của người dân khu vực nông thôn, đặc biệt là những hộ gia đình còn khó khăn, hộ nghèo.


 
 Nhân dân tham gia làm giao thông nông thôn

Từ khi tái lập tỉnh đến nay, HĐND tỉnh Quảng Nam đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách để tập trung mọi nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn với mục tiêu bê-tông hóa, nhựa hóa, hoàn chỉnh hệ thống cầu, đường nối liền từ các huyện, thị xã, thành phố đến các xã, phường, thị trấn nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân, thúc đẩy kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển. Từ cơ chế của tỉnh, nhiều địa phương đã thực hiện tốt phong trào xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn làm cho diện mạo làng quê ngày càng khởi sắc.

Trong giai đoạn 2016-2020, Nghị quyết HĐND tỉnh xác định mục tiêu: "Tiếp tục kiên cố hóa 571 km đường giao thông nông thôn, trong đó ưu tiên cho các xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới trước năm 2020, những huyện miền núi có tỷ lệ kiên cố hóa đường giao thông nông thôn còn thấp".

Kinh nghiệm từ các giai đoạn trước cho thấy: để phát triển giao thông nông thôn, ngoài sự hỗ trợ của nhà nước, cần có sự vào cuộc quyết liệt của địa phương; trong đó công tác tuyên truyền, vận động và huy động sự tham gia của người dân với phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm" là giải pháp quan trọng. Hoàn thiện hệ thống giao thông nông thôn vừa là chủ trương đúng đắn của Nhà nước, vừa phù hợp với khát khao, nguyện vọng của nhân dân nên Nghị quyết của HĐND tỉnh nhanh chóng đi vào cuộc sống. Người dân nhiệt tình hưởng ứng, sẵn sàng hiến đất, đóng góp ngày công, tham gia giám sát chất lượng... tạo đà cho sự phát triển mạnh mẽ của phong trào xây dựng giao thông nông thôn trong thời gian qua. Từ nghị quyết của HĐND tỉnh, nhiều địa phương đã vận dụng xây dựng các cơ chế riêng khuyến khích phát triển giao thông nông thôn mạnh hơn so với tỉnh như Núi Thành, Duy Xuyên, Thăng Bình...

Kết quả đến cuối năm 2019, toàn tỉnh đã bê tông hóa được 795,4 km đường giao thông nông thôn, vượt chỉ tiêu đề ra là 244 km; tổng nguồn vốn thực hiện hơn 603 tỉ đồng; trong đó ngân sách tỉnh hỗ trợ 255 tỉ đồng (đạt 100% kế hoạch), ngân sách địa phương và nhân dân đóng góp hơn 348 tỉ đồng. Đây cũng là một trong số ít Nghị quyết của HĐND tỉnh được hoàn thành trước thời hạn, vượt chỉ tiêu. Tỉ lệ đường giao thông nông thôn được kiên cố hóa đạt 78,5%, cao hơn tỉ lệ chung của cả nước. Bên cạnh đó, việc hoàn thành chỉ tiêu của Nghị quyết 159 cũng tạo thuận lợi cho việc thực hiện mục tiêu xây dựng Nông thôn mới. Bởi vì trong các tiêu chí về Nông thôn mới, tiêu chí về giao thông cần đầu tư nguồn lực lớn nhất. Đến nay, đã có 136/204 xã hoàn thành tiêu chí số 2 (tiêu chí về giao thông), tăng thêm 73 xã so với năm 2015.

Trong giai đoạn 2021-2025, việc tiếp tục ban hành các cơ chế, chính sách để khuyến khích phát triển giao thông nông thôn nhằm từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng, tạo điều kiện cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh là rất cần thiết. Bởi, hiện tại trên địa bàn tỉnh vẫn còn gần 1.400 km đường nông thôn cần được kiên cố hóa. Mặt khác các tuyến đường hoàn thành trong giai đoạn trước năm 2010 hiện đang xuống cấp, nhiều tuyến đường hẹp, chưa có nền đường, chưa đảm bảo lưu thông theo tiêu chuẩn hiện nay, nhiều công trình cầu tạm, cầu treo không đảm bảo tiêu chuẩn khai thác, tiềm ẩn nguy cơ sụp đổ, gây ra tai nạn...

Mục tiêu của giai đoạn này là tiếp tục củng cố, phát triển hệ thống đường giao thông nông thôn theo hướng bền vững, kiên cố, gắn liền với xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, nông thôn mới nâng cao. Ưu tiên phát triển  trước các tuyến đường trục xã, trục thôn là các tuyến đường tiếp cận đến các khu, điểm dân cư (chiếm tỉ lệ khoảng 60% chiều dài đường giao thông nông thôn). Tận dụng tối đa kết cấu đường hiện trạng, nghiên cứu giải pháp kỹ thuật để mở rộng, tăng cường nhằm đưa các tuyến đường vào tiêu chuẩn kỹ thuật. Lựa chọn các doanh nghiệp để thi công các hạng mục kỹ thuật cao, nhân dân chỉ tham gia thực hiện các hạng mục đơn giản. Kiên cố hóa mặt đường gắn liền với công trình cầu, cồng; từng bước thay thế các cầu treo bằng cầu cứng, ưu tiên các cầu treo đã sử dụng lâu năm, công trình có lưu lượng giao thông lớn. Dự kiến nguồn vốn đầu tư cho giai đoạn này từ ngân sách tỉnh khá lớn, khoàng 250 tỉ đồng/năm (gấp 5 lần giai đoạn trước) nên ngân sách tỉnh chỉ hỗ trợ cho các tuyến đường trục xã, trục thôn. Việc bê tông hóa các tuyến đường ngõ xóm, mở rộng nền đường... các đại phương tự xây dựng đề án và bố trí hỗ trợ nhân dân thực hiện hoặc lồng ghép triển khai bằng các chương trình dự án khác.

Việc xây dựng các tuyến giao thông nông thôn giai đoạn 2021-2025 cũng gặp một số khó khăn nhất định mà trong quá trình triển khai thực hiện cần có giải pháp khắc phục để hoàn thành mục tiêu đề ra, đó là: đa số các tuyến đường cần xây dựng mới đều nằm ở các vùng khó khăn, dân cư thưa, chiều dài các tuyến tăng nhưng mặt đường chưa có sẵn...; do đó cần nguồn lực đầu tư lớn hơn nhưng sự đóng góp của người dân lại hạn chế, thực hiện các quy định của Luật Khoáng sản nên người dân không thể tự khai thác vật liệu thông thường ở địa phương để xây dựng các công trình giao thông... Vì vậy, trong những năm đến, ngoài nguồn lực đầu tư của nhà nước cần có cơ chế, chính sách hợp lý để huy động, lồng ghép nhiều nguồn lực khác bao gồm cả chính sách tín dụng cho doanh nghiệp để thu hút nhà đầu tư tham gia phát triển hệ thống giao thông tại vùng nông thôn, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, những nơi khó khăn về điều kiện tự nhiên; động viên, khơi dậy phong trào xây dựng giao thông nông thôn như kinh nghiệm thành công của giai đoạn vừa qua. Đồng thời, cùng với việc đầu tư nâng cấp, cải tạo, xây mới các tuyến đường, cần chú trọng công tác bảo trì, bảo dưỡng, đặc biệt, ở một số khu vực đang chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, thiên tai. Cần phát huy mô hình tự quản đường giao thông nông thôn như các tổ, khối, xóm, tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức xã hội tham gia tự quản. Phát động phong trào toàn dân cùng chung tay quản lý, bảo trì đường giao thông, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, cộng đồng thực sự làm chủ trong xây dựng giao thông nông thôn bảo đảm công khai, minh bạch và trách nhiệm./.

Tác giả: Nguyễn Nhật Hòa

Nguồn tin: Văn phòng HĐND tỉnh Quảng Nam


[Trở về]

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn:

TÀI LIỆU KỲ HỌP

Thông tin - Thông báo

TÀI LIỆU PHIÊN HỌP


Dự báo thời tiết

Nam Trà My

BẢN QUYỀN HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN HUYỆN NAM TRÀ MY
Địa chỉ liên hệ: Thôn 1, Trà Mai, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam
Điện thoại: 01216725567
Email: tonghopnamtramy@gmail.com
Phát triển bởi Trung Tâm Công Nghệ Thông Tin & Truyền Thông Quảng Nam (QTI)

Tổng số lượt truy cập