Thứ năm, 14/05/2015, 10:06:10
Select the search type
 
  • Site
  • Web
Search

Chi tiết tin

Cần hơn 2,5 ngàn tỷ đồng thực hiện đề án Hỗ trợ phát triển giáo dục miền núi

Chiều ngày 30.12.2020, Ban Dân tộc HĐND tỉnh tổ chức làm việc với Sở Giáo dục và Đào tạo để nghe báo cáo nội dung đề án Hỗ trợ phát triển giáo dục miền núi tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021 – 2025. Ông Nguyễn Mạnh Hà - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh chủ trì buổi làm việc.

Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách để phát triển giáo dục miền núi. Nhờ đó, diện mạo giáo dục các huyện miền núi của tỉnh đã có những chuyển biến đáng kể. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hạn chế như: công tác xã hội hóa giáo dục ở các huyện miền núi gặp nhiều khó khăn, nguồn lực đầu tư chủ yếu dựa vào ngân sách nhà nước; cơ sở vật chất của các trường chưa đạt tiêu chuẩn theo quy định, nhiều trường thiếu phòng học, phòng bộ môn, nhà vệ sinh, trang thiết bị phục vụ dạy học. Tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày học sinh tiểu học chỉ đạt 75,8%, thấp hơn so với mặt bằng chung của tỉnh là 14,6%. Đội ngũ giáo viên còn thiếu và không ổn định. Ngoài ra, hiện nay các chính sách hỗ trợ vẫn còn một số bất cập, mức hỗ trợ thấp, không đáp ứng nhu cầu cấp thiết.


 
 Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Thanh Quốc phát biểu tại buổi làm việc

Theo đề án Hỗ trợ phát triển giáo dục miền núi tỉnh Quảng Nam, mục tiêu phấn đầu đến năm 2025 sẽ đạt 100% các cơ sở giáo dục miền núi có tổ chức bán trú cho học sinh; huy động được ít nhất 10% trẻ em trong độ tuổi nhà trẻ, 92% trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo được đến trường. Về nâng cao chất lượng đối với giáo dục trung học, có 100% huyện miền núi đạt chuẩn phổ cập giáo dục cơ sở mức độ 2, có 40% huyện đạt chuẩn PCGD THCS mức độ 3; số học sinh thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng đạt 70% (trên số học sinh tốt nghiệp THPT); 80% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở tiếp tục vào học các trường THPT, 20% còn lại học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp. Tập trung đầu tư cơ sở vật chất, đảm bảo các cơ sở giáo dục có đủ phòng học kiên cố, thiết bị để tổ chức dạy học 2 buổi/ngày theo quy định; các điểm trường đều có công trình vệ sinh, hệ thống nước sạch, đảm bảo điều kiện ăn, ở cho học sinh bán trú... Bên cạnh đó, đề án cũng nêu lên 7 nhóm giải pháp để hỗ trợ phát triển giáo dục miền núi của tỉnh trong giai đoạn 2021-2025.

Về tổng kinh phí thực hiện đề án hơn 2,5 ngàn tỷ đồng, trong đó: vốn từ ngân sách tỉnh chiếm 30%, từ ngân sách huyện cũng chiếm 30%, phần vốn còn lại (40%) từ nguồn của Trung ương, Chương trình mục tiêu, các dự án, vốn lồng ghép, xã hội hóa...

Phát biểu tại cuộc họp, nhiều đại biểu nhận định đầu tư hỗ trợ phát triển giáo dục miền núi là vấn đề rất quan trọng và cần thiết, xem “Phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu”. Tham gia vào nội dung cụ thể của đề án, đại biểu Đỗ Tài cho rằng những mặt yếu hiện nay của giáo dục miền núi cần được nhận diện rõ để có giải pháp tháo gỡ đó là: cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy và học chưa đáp ứng nhu cầu; đội ngũ giáo viên còn yếu về chuyên môn, thiếu nhiều về số lượng so với định mức; việc xã hội hóa giáo dục miền núi gặp rất nhiều khó khăn; chênh lệch khá xa về chất lượng giáo dục giữa miền núi và đồng bằng. Ngoài ra, cần đưa ra mục tiêu cụ thể đến năm 2025 phải xóa được tình trạng lớp ghép, nếu vẫn còn tình trạng lớp ghép thì sẽ ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục. Bên cạnh đó, đại biểu Đỗ Tài cũng băn khoăn về tổng nguồn kinh phí thực hiện đề án hơn 2,5 ngàn tỷ đồng có đảm bảo cân đối được hay không trong bối cảnh dự kiến thu ngân sách còn khó khăn trong thời gian đến; đồng thời, tỷ lệ cơ cấu ngân sách của cấp huyện để thực hiện đề án là 30% là quá cao so với khả năng thu ngân sách, đề nghị tính toán lại cho phù hợp với nguồn lực của các địa phương miền núi.

Có ý kiến đề nghị xem lại trong đề án hỗ trợ đầu tư đối với các trường học từ cấp mầm non đến trung học cơ sở, trong khi nội dung này thuộc nhiệm vụ của ngân sách cấp huyện đã được quy định tại Nghị quyết số 12/2020/NQ-HĐND ngày 20.11.2020 của HĐND tỉnh về phân cấp nhiệm vụ chi đầu tư phát triển giữa ngân sách cấp tỉnh và ngân sách cấp huyện trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025. Ngoài ra, các nội dung về tên gọi, mục tiêu cụ thể, đối tượng áp dụng và giải pháp cũng được nhiều đại biểu dự họp tham gia, góp ý, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo giải trình, làm rõ.

Phát biểu kết thúc buổi làm việc, Ông Nguyễn Mạnh Hà - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh cho biết trên cơ sở nội dung buổi làm việc, Ban sẽ tiến hành thẩm tra đề án chặt chẽ, chất lượng, trình HĐND tỉnh xem xét, quyết định tại kỳ họp thứ 21 sắp đến.

Tác giả: Hồng Quân

Nguồn tin: Văn phòng HĐND tỉnh Quảng Nam


[Trở về]

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn:

TÀI LIỆU KỲ HỌP

Thông tin - Thông báo

TÀI LIỆU PHIÊN HỌP


Dự báo thời tiết

Nam Trà My

BẢN QUYỀN HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN HUYỆN NAM TRÀ MY
Địa chỉ liên hệ: Thôn 1, Trà Mai, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam
Điện thoại: 01216725567
Email: tonghopnamtramy@gmail.com
Phát triển bởi Trung Tâm Công Nghệ Thông Tin & Truyền Thông Quảng Nam (QTI)

Tổng số lượt truy cập