Thứ năm, 14/05/2015, 10:06:10
Select the search type
 
  • Site
  • Web
Search

Chi tiết tin

Bảo tồn và phát triển cây Sâm Ngọc Linh: Còn nhiều khó khăn

Mục tiêu của những cơ chế, chính sách về bảo tồn và phát triển cây Sâm Ngọc Linh do HĐND tỉnh ban hành trong thời gian vừa qua nhằm bảo tồn nguồn gen gốc, đồng thời tạo điều kiện để người dân vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống và gắn với trách nhiệm giữ rừng. Tuy nhiên, quá trình thực hiện vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập, nhất là phát triển nguồn giống để cung ứng và cho người dân.

Khó khăn về phát triển nguồn giống

Trên địa bàn huyện Nam Trà My, từ chỗ chỉ khoảng 110 hộ ở xã Trà Linh trồng sâm Ngọc Linh, diện tích 65ha năm 2014, đến nay đã phát triển lên 7/10 xã, hình thành 47 chốt, số hộ tăng lên 1.200 hộ, với diện tích trên 1.600ha. Theo ông Trần Thanh Mẫn – Phó Chủ tịch UBND huyện, người dân dần có ý thức tự vươn lên thoát nghèo, vì vậy trong thời gian ngắn số lượng các hộ dân tham gia trồng Sâm Ngọc Linh tăng lên đáng kể, tuy nhiên địa phương không đủ điều kiện, nguồn lực phát triển nguồn giống để hỗ trợ người dân. Bằng nguồn vốn từ các chương trình, huyện đã hỗ trợ được gần 41.000 cây sâm giống, với diện tích chỉ khoảng 2ha, phần diện tích còn lại người dân tự trồng, phát triển qua các năm.

 

Trên địa bàn huyện Nam Trà My hiện có 2 đơn vị sự nghiệp công lập nhà nước thực hiện nhiệm vụ bảo tồn nguồn sâm giống gốc và cung ứng giống cho nhân dân trồng, phát triển, đó là Trung tâm phát triển sâm Ngọc Linh và dược liệu Quảng Nam (thuộc Sở NN&PTNT) và Trung tâm Sâm Ngọc Linh (thuộc UBND huyện Nam Trà My). Thời gian qua, mặc dù nhà nước đã có sự đầu tư về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực, áp dụng nhiều biện pháp kỹ thuật… nhưng việc tạo giống sâm gặp nhiều khó khăn, số lượng cây giống cung ứng cho nhân dân còn khá khiêm tốn. Từ năm 2016 đến nay, Trung tâm phát triển sâm Ngọc Linh và dược liệu Quảng Nam đã thực hiện cung ứng 25.757 cây sâm giống cho người dân của huyện Nam Trà My và doanh nghiệp (trong đó cung ứng cho người dân chỉ khoảng 1.400 cây). Đối với Trung tâm Sâm Ngọc Linh cấp hỗ trợ cho nhân dân 7 xã với số lượng 11.500 cây.
 
 Đoàn giám sát của Ban Dân tộc HĐND tỉnh khảo sát tại Trạm dược liệu Trà Linh, 
Trung tâm phát triển sâm Ngọc Linh và dược liệu Quảng Nam.

Ông Trần Út, Giám đốc Trung tâm phát triển sâm Ngọc Linh và dược liệu Quảng Nam cho biết, Trung tâm đang triển khai trồng hơn 8,5ha, với số lượng 253.000 cây sâm Ngọc Linh. Từ năm 2014-2018, Trung tâm thu hái được 576.675 hạt giống và mua thêm 22.115 hạt, nhưng số cây giống tạo từ hạt chỉ được 151.000 cây. Số liệu các năm cho thấy, hiệu quả gieo ươm, tạo cây giống sâm Ngọc Linh có tăng lên nhưng tỷ lệ cây giống đạt được trên số lượng hạt giống mang gieo thấp, như năm 2018 đạt khoảng 25%. Theo ông Út, đơn vị không thực hiện nhân giống từ việc nuôi cấy mô, mà là ươm từ hạt, tuy nhiên hình thức này phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên, trong những năm gần đây do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, tình hình thời tiết bất thường, nắng nóng kéo dài và sâu hại, dịch bệnh như đốm vòng, sương mai… dẫn đến khả năng cho hạt và chất lượng hạt giống không đạt yêu cầu, tỷ lệ hạt nảy mầm đạt thấp.

Và quản lý nguồn giống

Tại buổi làm việc với Đoàn giám sát của Ban Dân tộc HĐND tỉnh mới đây, lãnh đạo UBND huyện Nam Trà My cho biết, hiện tượng người dân bán hạt giống, củ sâm non và cây từ 1 – 5 năm tuổi vẫn khá phổ biến, trước đây địa phương thực hiện chủ trương thu mua lại để tránh thất thoát, bảo tồn nguồn giống, nhưng hiện nay giá được phê duyệt quá thấp (200.000đồng/cây 1 năm tuổi) so với giá thị trường (300.000đồng/cây) nên người dân bán cho các đối tượng mua bên ngoài. Mặt khác, xuất hiện một số đối tượng liên kết với người dân địa phương để trồng sâm không rõ nguồn gốc, vừa qua huyện đã phát hiện hơn 500 gốc sâm mang từ nơi khác đến.

Ngoài ra, việc đánh giá hiện trạng rừng làm căn cứ cho thuê môi trường rừng để người dân trồng sâm còn nhiều bất cập, phải thực hiện nhiều khâu từ hoàn chỉnh hồ sơ, đo vẽ, phân lô, đánh giá tác động… và kinh phí thực hiện do người dân tự chi trả (1,3 triệu đồng/ha). Đến nay, từ nguồn kinh phí của huyện Nam Trà My chỉ mới thực hiện hỗ trợ đánh giá hiện trạng rừng cho 13/29 nhóm hộ, với diện tích 283ha/434,2ha, số nhóm hộ còn lại do khó khăn về  kinh phí nên chưa thực hiện.


Tác giả: Thanh Bình

Nguồn tin: Văn phòng HĐND tỉnh


[Trở về]

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn:

TÀI LIỆU KỲ HỌP

Thông tin - Thông báo

TÀI LIỆU PHIÊN HỌP


Dự báo thời tiết

Nam Trà My

BẢN QUYỀN HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN HUYỆN NAM TRÀ MY
Địa chỉ liên hệ: Thôn 1, Trà Mai, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam
Điện thoại: 01216725567
Email: tonghopnamtramy@gmail.com
Phát triển bởi Trung Tâm Công Nghệ Thông Tin & Truyền Thông Quảng Nam (QTI)

Tổng số lượt truy cập