Thứ năm, 14/05/2015, 10:06:10
Select the search type
 
  • Site
  • Web
Search

Chi tiết tin

Xoay xở thế nào, nếu chỉ có 1 Phó Trưởng ban chuyên trách?

Có thể nói, việc hướng đến số đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách để giảm như Dự thảo là chưa thực sự sát với tinh thần của Nghị quyết số 18-NQ/TW. Đối với các Ban HĐND cấp tỉnh, nhiệm vụ chủ yếu vẫn do các đại biểu chuyên trách đảm nhận và chịu trách nhiệm. Ban HĐND sẽ xoay xở như thế nào nếu trong tương lai chỉ có 1 Phó Trưởng ban hoạt động chuyên trách? Trong khi đó, lĩnh vực của mỗi Ban lại rất rộng, liên quan đến nhiều địa phương, nhiều ngành…

Tổ chức của Ban HĐND cấp tỉnh từ năm 2005 đến nay

Sở dĩ chọn mốc thời gian từ năm 2005 đến nay vì đây là khoảng thời gian gắn với 3 nhiệm kỳ HĐND liên tiếp và liên quan đến 2 văn bản luật quan trọng liên quan đến tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương: Luật Tổ chức HĐND và UBND, Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003 không quy định Ban HĐND là cơ quan của HĐND; quy định cụ thể số lượng thành viên của Ban HĐND cấp tỉnh, nhưng Quy chế hoạt động của HĐND số 753/2005/NQ-UBTVQH11 có nội dung quy định này. Theo đó, Trưởng ban của HĐND cấp tỉnh có thể làm việc chuyên trách, nếu Trưởng ban làm việc kiêm nhiệm thì Phó Trưởng ban phải làm việc chuyên trách. Như vậy, có thể hiểu số lượng chuyên trách của các Ban HĐND tối đa là 2. Luật Tổ chức Chính quyền địa phương năm 2015 quy định Ban của HĐND là cơ quan của HĐND. Cùng với việc được xác định rõ về địa vị pháp lý, Ban HĐND cũng được tạo điều kiện thuận lợi để hoạt động với quy định Ban gồm có Trưởng ban, không quá 2 Phó Trưởng ban; Trưởng ban có thể là đại biểu chuyên trách; Phó Trưởng ban là đại biểu chuyên trách. Như vậy, có thể hiểu số lượng chuyên trách của Ban tối đa là 3.


Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Đồng Nai giám sát kết quả thực hiện công tác hỗ trợ trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi năm 2019
Ảnh: Trương Khộp

Báo cáo kết quả hoạt động của HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2018 tại Báo cáo số 206 /BC-BCTĐB ngày 20.3.2019, Ban Công tác đại biểu của UBTVQH xác định, số lượng đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách được bảo đảm, không có sự thay đổi.

Từ quan điểm chỉ đạo đến việc cụ thể hóa

Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25.10.2017 của Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII về một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả đánh giá: “Số lượng, cơ cấu đại biểu dân cử chưa phù hợp, chất lượng còn hạn chế”. Từ đánh giá đó, Nghị quyết chỉ đạo: “Nghiên cứu, thực hiện giảm hợp lý số lượng đại biểu HĐND các cấp và giảm đại biểu HĐND công tác ở các cơ quan quản lý nhà nước”. Như vậy, quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết số 18 tác động đến Ban HĐND cấp tỉnh đã rõ, gồm 2 giảm: (1) giảm hợp lý số lượng đại biểu HĐND và (2) giảm đại biểu HĐND công tác ở các cơ quan quản lý nhà nước. Nghị quyết số 18 không chỉ đích danh giảm đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách.

Quá trình sửa đổi, bổ sung Luật, Bộ Nội vụ đã dự thảo và xin ý kiến các địa phương, theo đó quy định giảm số lượng đại biểu HĐND các cấp ở từng loại hình đơn vị hành chính (khoảng từ 10% - 15% ở từng đơn vị hành chính); quy định 1 Phó Trưởng ban của HĐND cấp tỉnh là đại biểu HĐND chuyên trách (Luật hiện hành quy định 2 Phó Trưởng ban hoạt động chuyên trách). Lý giải về việc giảm 1 Phó Trưởng ban chuyên trách như trên, Bộ Nội vụ cho rằng việc quy định số lượng Phó Trưởng ban của HĐND cấp tỉnh, cấp huyện hoạt động chuyên trách như thời gian vừa qua đã làm tăng biên chế của chính quyền địa phương trong bối cảnh cả nước thực hiện Nghị quyết của Trung ương về tinh giản biên chế.

Giảm số lượng đại biểu hay giảm đại biểu chuyên trách?

Các quy định hiện hành về tinh giản biên chế thì tỷ lệ giảm áp dụng ở mức 10%. Do đó, dự thảo Luật sửa đổi xác định giảm khoảng từ 10 - 15% ở từng đơn vị hành chính cần được điều chỉnh ở tỷ lệ 10% để bảo đảm sự thống nhất trong toàn hệ thống chính trị.

Bên cạnh đó, vấn đề đặt ra là Luật sửa đổi, bổ sung quy định giảm số lượng đại biểu HĐND hay giảm đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách? Theo Dự thảo hiện nay, HĐND cấp tỉnh đã giảm 4 - 5 đại biểu bao gồm: 1 Phó Chủ tịch; 3 đến 4 Phó Trưởng ban HĐND. Đó là chưa kể, từ đầu nhiệm kỳ, nhiều địa phương đã bố trí mỗi Ban có 3 đại biểu chuyên trách; theo xu hướng sắp xếp thời gian tới, Trưởng ban sẽ hoạt động kiêm nhiệm và thường sẽ do Trưởng các Ban Đảng đảm nhiệm thì con số đại biểu chuyên trách giảm sẽ không dừng lại ở 4 hoặc 5 mà là 7 hoặc 8 đại biểu.

Với con số từ 4 - 5 đại biểu nêu trên thì nhiều địa phương chỉ cần bố trí số đại biểu hoạt động chuyên trách theo Dự Luật cũng đã hoàn thành việc giảm số lượng đại biểu. Điều đó có nghĩa là giảm số lượng đại biểu nhưng thực chất chỉ là giảm số lượng đại biểu chuyên trách. Như vậy, có thể nói việc hướng đến số đại biểu hoạt động chuyên trách để giảm như dự thảo là chưa thực sự sát với tinh thần của Nghị quyết số 18-NQ/TW.

Chủ yếu vẫn do đại biểu chuyên trách đảm nhận

Luật quy định, Ban của HĐND là cơ quan của HĐND, có nhiệm vụ thẩm tra dự thảo nghị quyết, báo cáo, đề án trước khi trình HĐND, giám sát, kiến nghị về những vấn đề thuộc lĩnh vực Ban phụ trách; chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước HĐND. Các thành viên Ban của HĐND chịu trách nhiệm tập thể về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Ban trước HĐND; chịu trách nhiệm cá nhân trước Ban của HĐND về nhiệm vụ, quyền hạn được Ban phân công.

Quy định ngắn gọn như vậy nhưng khối lượng công việc của Ban là rất lớn. Thấu hiểu nhiệm vụ của Ban HĐND, Điều 103 Luật Tổ chức chính quyền địa phương quy định về các điều kiện bảo đảm cho hoạt động của đại biểu HĐND nêu rõ: Đại biểu HĐND hoạt động không chuyên trách phải dành ít nhất một phần ba thời gian làm việc trong năm để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu HĐND. Thời gian làm việc trong năm mà đại biểu HĐND không chuyên trách dành cho việc thực hiện nhiệm vụ đại biểu được tính vào thời gian làm việc của đại biểu ở cơ quan, tổ chức, đơn vị mà đại biểu làm việc và được bảo đảm trả lương, phụ cấp, các chế độ khác do cơ quan, tổ chức, đơn vị đó đài thọ. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi đại biểu làm việc có trách nhiệm sắp xếp công việc, tạo điều kiện cần thiết cho đại biểu HĐND làm nhiệm vụ.

Tuy nhiên, trên thực tế việc dành 1/3 thời gian cho hoạt động HĐND của đại biểu là điều không thể. Do đó, nhiệm vụ của Ban chủ yếu vẫn do các đại biểu chuyên trách đảm nhận và chịu trách nhiệm là chính.

Có ai muốn đảm nhận, gắn bó?

Ban HĐND sẽ xoay xở như thế nào nếu trong tương lai chỉ có 1 Phó Trưởng ban hoạt động chuyên trách. Trong khi đó, lĩnh vực của mỗi Ban lại rất rộng, liên quan đến nhiều địa phương, nhiều ngành. Bên cạnh đó, công chức văn phòng giúp việc - lực lượng tham mưu, giúp việc và có tính ổn định ở HĐND cấp tỉnh - cũng sẽ có những thay đổi với chủ trương hợp nhất 3 Văn phòng: Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND nên sẽ có những ảnh hưởng nhất định đến tâm lý cũng như những khó khăn nhất định trong chỉ đạo, điều hành của Văn phòng. 

Mặc dù là một trong hai chủ thể cấu thành Chính quyền địa phương nhưng có thể nói hoạt động của HĐND với UBND luôn có sự phản biện, bởi lẽ HĐND thực hiện chức năng giám sát và kiến nghị. Và thử liên tưởng, với một cuộc giám sát chuyên đề, một buổi thẩm tra hay kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật nhưng chỉ có 1 đại biểu chuyên trách nghiên cứu sâu và thực hiện vai trò “chủ công”, liệu đại biểu đó có đủ tầm bao quát, năng lực, dũng khí, và có duy trì được lòng nhiệt tình với công việc chuyên trách ở HĐND. Và liệu có ai muốn đảm nhận, muốn gắn bó với nhiệm vụ chuyên trách ở HĐND?


Tác giả: Nguyễn Thị Oanh - Phó Chánh Văn phòng HĐND tỉnh Đồng Nai (theo báo đại biểu nhân dân)

Nguồn tin: http://daibieunhandan.vn/default.aspx?tabid=76&NewsId=419700


[Trở về]

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn:

TÀI LIỆU KỲ HỌP

Thông tin - Thông báo

TÀI LIỆU PHIÊN HỌP


Dự báo thời tiết

Nam Trà My

BẢN QUYỀN HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN HUYỆN NAM TRÀ MY
Địa chỉ liên hệ: Thôn 1, Trà Mai, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam
Điện thoại: 01216725567
Email: tonghopnamtramy@gmail.com
Phát triển bởi Trung Tâm Công Nghệ Thông Tin & Truyền Thông Quảng Nam (QTI)

Tổng số lượt truy cập