Quang cảnh Hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Đường bộ
Thực tế hiện nay, lưu lượng phương tiện tăng đột biến, trong khi tổ chức giao thông, hạ tầng giao thông chưa đáp ứng yêu cầu, gây tắc nghẽn trên diện rộng và trên các tuyến cao tốc, quốc lộ trọng điểm, ảnh hưởng xấu đến sự phát triển kinh tế, xã hội. Một trong những nguyên nhân cơ bản của tình trạng trên là do Luật Giao thông đường bộ năm 2008 được xây dựng và ban hành trên cơ sở sửa đổi Luật Giao thông đường bộ năm 2001, vẫn còn nhiều điểm chưa đồng bộ và chưa sát với thực tiễn. Sau 15 năm thực hiện, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, không đáp ứng được yêu cầu trong công tác quản lý, nhất là trước sự phát triển của hạ tầng giao thông, sự gia tăng nhanh chóng của số lượng phương tiện...
Dự thảo Luật Đường bộ gồm 6 chương, 95 điều. So với dự thảo Luật Giao thông đường bộ năm 2008, đã chuyển 2 chương sang Luật Trật tự Giao thông đường bộ (quy tắc giao thông đường bộ, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ), giữ nguyên 1 điều (Điều 2 về đối tượng áp dụng), sửa đổi 40 điều, bổ sung mới 54 điều.
Giám đốc Sở Giao thông vận tải Văn Anh Tuấn phát biểu ý kiến tại Hội nghị
Cơ bản đồng tình, nhất trí với sự cần thiết ban hành và những nội dung cơ bản của dự thảo Luật Đường bộ, các đại biểu tham dự Hội nghị cũng tham gia đóng góp thêm nhiều ý kiến cụ thể liên quan đến phạm vi điều chỉnh; quy định về đường bộ, kết cấu hạ tầng đường bộ và bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ; quy định về đầu tư, xây dựng, bảo trì, vận hành, khai thác công trình đường bộ;…
Có đại biểu bày tỏ băn khoăn khi loại hình kinh doanh vận tải khách du lịch không còn quy định trong dự thảo Luật Đường bộ có đảm bảo yêu cầu thúc đẩy phát triển du lịch hiện nay, khi đây là loại hình kinh doanh vận tải đang hoạt động; có xu hướng ngày càng tăng; yêu cầu quản lý có nhiều nội dung khác biệt so với các loại hình vận tải khác.
Một số ý kiến cũng cho rằng nội dung, thuật ngữ của 2 dự thảo luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ cần phải có sự thống nhất với nhau; cần rà soát kỹ lưỡng các quy định về quản lý nhà nước trong hoạt động giao đường bộ và trật tự an toàn giao thông đường bộ, tránh trùng lắp, đồng thời, thể hiện trách nhiệm phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan liên quan giữa hai lĩnh vực.