Thứ năm, 14/05/2015, 10:06:10
Select the search type
 
  • Site
  • Web
Search

Chi tiết tin

Việc hỗ trợ sắp xếp, ổn định dân cư miền núi còn nhiều vướng mắc

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa tổ chức hội nghị sơ kết việc thực hiện Nghị quyết 23/2021/NQ-HĐND ngày 22/7/2021 của HĐND tỉnh (Nghị quyết 23) về cơ chế sắp xếp dân cư vùng miền núi Quảng Nam giai đoạn 2021-2025. Sau gần ba năm triển khai Nghị quyết 23, kết quả chưa đạt chỉ tiêu đề ra và còn nhiều vướng mắc cần tháo gỡ.

Kết quả thực hiện chưa như mong đợi


Công tác hỗ trợ sắp xếp, bố trí dân cư miền núi là chủ trương lớn của tỉnh, mang tính nhân văn sâu sắc, phù hợp với tình hình thực tiễn. Đây vừa là mục tiêu, vừa là giải pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân ở các vùng thiên tai, đặc biệt khó khăn có chỗ ở ổn định lâu dài, đảm bảo an toàn đối với tính mạng và tài sản của Nhân dân trong mùa mưa bão; quy hoạch bố trí dân cư gắn với phát triển sản xuất cho phù hợp với từng thôn, bản, điểm dân cư để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng (giao thông, điện, nước...) phục vụ Nhân dân. Góp phần thực hiện có hiệu quả các Chương trình mục tiêu Quốc gia nói riêng và thúc đẩy kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng – an ninh tại các địa phương miền núi nói chung.  

Tuy nhiên, sau gần ba năm triển khai thực hiện, kết quả không đạt như mong đợi. Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Sở NN và PTNT), dự kiến đến cuối năm 2023 tổng số hộ được sắp xếp di dời chỗ ở là 2.045 hộ, chỉ bằng 26,60%  so với chỉ tiêu Nghị quyết số 23 đề ra. Ngoại trừ huyện Tây Giang có tỉ lệ thực hiện khá cao so với kế hoạch (86,33%), hầu hết các huyện còn lại tỉ lệ đều dưới 30%, thấp nhất là huyện Phước Sơn (12,15%). Bên cạnh đó, việc giải ngân nguồn vốn đã phân bổ cũng chưa hoàn thành (dự kiến đến cuối năm 2023, giải ngân được 172.745 triệu đồng, đạt tỉ lệ 92,23%).

Kết quả thực hiện thấp như vậy có nguyên nhân khách quan là do điều kiện địa hình miền núi phức tạp, độ dốc lớn, nhất là 06 huyện miền núi cao nên không có nhiều mặt bằng thuận lợi để bố trí dân cư. Quỹ đất có thể khai hoang không còn nhiều, việc xác định hộ thiếu đất sản xuất ở miền núi rất khó khăn do đất sản xuất của hộ dân rất manh mún, nhỏ lẻ, phân tán lại chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Giá cả vật tư, nhân công trên địa bàn miền núi tăng cao, trong khi các đối tượng sắp xếp dân cư hầu hết là hộ nghèo, cận nghèo thuộc diện đặc biệt khó khăn, nên khả năng đối ứng thực hiện chương trình rất hạn chế…

Tuy nhiên, cũng thẳng thắn nhìn nhận là sự quan tâm vào cuộc của các cấp ủy Đảng, chính quyền ở nhiều địa phương chưa thật sự quyết liệt, trách nhiệm trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết 23. Trước tiên, có thể thấy công tác tuyên truyền chưa hiệu quả nên chưa phát huy tính chủ động, vai trò chủ thể của người dân trong tự thực hiện các nội dung hỗ trợ; làm ảnh hưởng đến tiến độ, việc vận động người dân chia sẻ đất ở cho hộ di dời còn hạn chế, chủ yếu là trong gia đình, dòng tộc. Một số địa phương chưa chú trọng trong cân đối quỹ đất để bố trí đất ở cho hộ theo quy hoạch sắp xếp dân cư gắn với xây dựng nông thôn mới đã phê duyệt.  

Công tác đánh giá mức độ an toàn của các điểm tái định cư khi rà soát quy hoạch dân cư chủ yếu thực hiện theo kinh nghiệm, chưa có cơ sở khoa học, dẫn đến một số điểm tái định cư có nguy cơ sạt lỡ trong mùa mưa bão, nhất là huyện miền núi cao. Việc hỗ trợ đất sản xuất cho hộ sắp xếp, ổn định dân cư đạt thấp, ảnh hưởng đến sinh kế của người dân.

Việc hướng dẫn tổ chức thực hiện Nghị quyết 23 của một số sở, ngành còn chưa kịp thời, có nội dung đến nay chưa có hướng dẫn (hỗ trợ vật liệu làm nhà và công trình vệ sinh; chứng từ thanh quyết toán đối với từng định mức hỗ trợ theo quy định...).  

Hội nghị sơ kết việc thực hiện Nghị quyết 23 

Cần sự vào cuộc quyết liệt

Theo báo cáo của Sở NN và PTNT, số hộ dự kiến sắp xếp di dời chỗ ở trong 02 năm 2024, 2025 còn khá cao, khoảng 2.611 hộ. Rút kinh nghiệm việc triển khai thực hiện thời gian vừa qua, trong những năm còn lại để hoàn thành chỉ tiêu này cần sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy Đảng, chính quyền của các địa phương. Nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác sắp xếp, ổn định dân cư các cấp. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát thực hiện. Phát huy vai trò giám sát, phản biện của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị xã hội và vai trò làm chủ nhân dân trong qúa trình tổ chức triển khai thực hiện.   

Cần rà soát nội dung bố trí dân cư bảo đảm phù hợp với các quy hoạch các cấp theo quy định của pháp luật, đáp ứng yêu cầu về đất ở, đất sản xuất, nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt, các công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu, thích ứng với biến đổi khí hậu, phù hợp với phong tục tập quán của người dân từng địa phương. Tăng cường trách nhiệm của UBND các huyện trong việc cân đối quỹ đất trên địa bàn để bố trí đất ở cho các hộ tham gia sắp xếp dân cư theo hạn mức quy định, trên cơ sở quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được phê duyệt. Cấp giấy chứng nhận quyền sử đất kịp thời theo quy định.

Một điểm tái định cư tại miền núi

Triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời, đồng bộ và lồng ghép hiệu quả các cơ chế, chính sách của Trung ương, của tỉnh về bố trí sắp xếp, ổn định dân cư; tiếp tục đánh giá, phân tích để đề nghị bổ sung, sửa đổi cơ chế, chính sách chưa phù hợp.

Tăng cường tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, khắc phục tư tưởng trông chờ ỷ lại, nâng cao khả năng tự chủ của nhân dân miền núi trong tổ chức sản xuất và đời sống. Phát huy hơn nữa vai trò chủ thể của người dân trong thực hiện và hưởng lợi từ các chính sách của Nghị quyết 23./. 

Tác giả: Nguyễn Nhật Hòa

Nguồn tin: Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội & HĐND tỉnh


[Trở về]

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn:

TÀI LIỆU KỲ HỌP

Thông tin - Thông báo

TÀI LIỆU PHIÊN HỌP


Dự báo thời tiết

Nam Trà My

BẢN QUYỀN HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN HUYỆN NAM TRÀ MY
Địa chỉ liên hệ: Thôn 1, Trà Mai, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam
Điện thoại: 01216725567
Email: tonghopnamtramy@gmail.com
Phát triển bởi Trung Tâm Công Nghệ Thông Tin & Truyền Thông Quảng Nam (QTI)

Tổng số lượt truy cập